Thị trường ngoại hối (forex) là gì?

Tiêu đề bài viết này có thể làm bạn đọc đánh giá nội dung của nó ít quan trọng hoặc thậm chí là bỏ qua nó như một nội dung mà mình đã hoàn toàn hiểu biết. Tuy nhiên tôi phải cảnh báo với các bạn rằng bài viết này hoàn toàn không giống với những gì mà hầu hết các bạn đã tượng tượng khi lướt qua tiêu đề của nó.

Những nội dung sẽ trình bày sau đây là nền tảng cơ bản nhất và cũng là định hướng để các bạn mới bước chân vào thị trường forex có cách tiếp cận phân tích đúng đắn. Mà nếu như hiểu được những điều này ngay từ buổi ban đầu, bạn đọc sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cùng học phí trả cho thị trường về sau. Những nội dung đó bao gồm:
  • Thị trường ngoại hối là gì và nguyên nhân vì sao nó tồn tại
Hai chữ THỊ TRƯỜNG, nguyên bản tiếng anh gọi đó là MARKET, tức là cái CHỢ, và đương nhiên, Chợ với người việt là một nơi diễn ra chủ yếu các hoạt động mua, bán. Tương tự thế, chữ NGOẠI HỐI được dịch từ tiếng anh cơ bản là FOREX, đây là một từ ghép bởi hai chữ FOREIGN EXCHANGE, tức ám chỉ đến hành động hoán đổi một đồng tiền của quốc gia này sang một đồng tiền của quốc gia khác. Do đó thị trường ngoại hối hay forex market có thể hiểu là một nơi diễn ra các hành động mua, bán, trao đổi các loại tiền tệ của các quốc gia khác nhau với nhau. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao thị trường này tồn tại hay nói khác đi nó xuất hiện để phục vụ mục đích gì?

Có hai khía cạnh chính yếu để trả lời cho câu hỏi này. Điểm thứ nhất là xuất phát từ nhu cầu cần trao đổi, giao thương hàng hóa với nhau. Một quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản những nghèo kỹ nghệ sẽ có thể tập trung xuất khẩu những mặt hàng sản xuất thô và nhập khẩu những món đồ hi-tech, công nghệ hay công nghiệp cao. Vì điều này sẽ làm giảm chi phí hay giá thành sản phẩm nói chung xuống. Giá thành hàng hóa vật phẩm giảm thì lạm phát không có tăng và từ đó đời sống người dân được bảo vệ, nâng cao. Đây chính là lý do các quốc gia cần giao thương với nhâu và đó cũng chính là căn bản để thị trường hối đoái tồn tại.

Điểm thứ hai nữa là liên quan đến giá trị đồng tiền của mỗi quốc gia. Về cơ bản có thể nói tiền tệ của một quốc gia cũng chính là tấm gương phản chiếu sức mạnh nền kinh tế của quốc gia ấy. Khi kinh tế phát triển thì đồng tiền tăng giá và ngược lại nếu kinh tế suy yếu thì giá trị đồng tiền đó đi xuống. Do đó, sự khác biệt trong tốc độ tăng trường kinh tế giữa các nước với nhau làm cho giá trị đồng tiền trở nên chênh lệch nhau qua thời gian. Sự chênh lệch này tới lượt nó lại gián tiếp tác động đến GIÁ CẢ hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các quốc gia. Sự dao/giao động của giá cả này nhiều khi làm cho giá thành của món đồ nhập cảng không còn rẻ nữa, hay là ít rẻ hơn lúc trước (do chi phí hedge tăng cao). Giá thành mà tăng thì lạm phát có cơ hội phát triển gây tác động xấu đến đời sống người dân. Thành ra, thị trường ngoại hối là nơi để người ta cân bằng giá trị đồng tiền của các quốc gia trên thế giới lại với nhau.
  • Những thành phần tham gia trong thị trường ngoại hối
Điểm tiên quyết để có thể xây dựng được một chiến lược giao dịch hiệu quả là cần hiểu rõ mục đích và đặc điểm của từng nhóm người tham gia vào thị trường ngoại hối này là gì. Và nếu xét theeo đặc điểm, mục đích tham gia cùng góc độ "quyền lực" tác động đến thị trường, tôi phân loại các thành phần tham gia thị trường ngoại hối thành năm (05) nhóm chính theo thứ tự dưới đây:

Đứng vị trí thứ nhất là nhóm các ngân hàng trung ương (central bank) của các quốc gia. Đây là nhóm các cơ quan đại diện cho quyền lực và vai trò của chính phủ các nước trên phương diện điều hành nền kinh tế, tài chính. Do đó, hiển nhiên đây là nhóm sở hữu quyền lực hầu như "không giới hạn" đối với chính đồng tiền của quốc gia đó và thậm chí là ảnh hưởng trực tiếp đến không ít các đồng tiền của quốc giá khác có quan hệ giao thương làm ăn với họ. Có thể kể ra đây một số cái tên tiêu biểu như ngân hàng trung ương châu âu (ECB),  ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), ngân hàng trung ương Anh (BOE) hay tiêu biểu và quyền lực hơn cả đó chính là the FED - tức là cục dự trữ liên bang Mỹ. Mỗi một quyết định trong chính sách tiền tệ của đám central bank này sẽ đều gây ra những tác động mang tính dài hạn đối với toàn bộ thị trường tài chính nói chung và forex nói riêng.
Mục đích tham gia thị trường của nhóm này không phải vì lợi nhuận thuần túy từ việc đầu tư, giao dịch như nhóm các thành phần khác. Mục tiêu cao nhất của họ là DUY TRÌ sự ổn định trong giá trị đồng tiền của chính quốc gia đó. Nguyên nhân là bởi vì một đồng tiền tăng giá quá nhanh, quá mạnh sẽ làm cho hàng hóa xuất cảng trở nên đắt đỏ và do đó mất đi tính cạnh tranh trong xuất khẩu; trong tình huống ngược lại một đồng tiền sụt giá quá sẽ tạo ra lạm phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Và hơn thế nữa một đồng tiền không có sự ổn định sẽ đẩy chi phí phòng hộ (hedge) tăng cao gây khó khăn cho việc thu hút dòng vốn đầu tư từ ngoại bang chảy vào... Cho nên mục tiêu cao nhất của nhóm những tay to số một thị trường này là duy trì một đồng tiền ổn định qua thời gian. Để đạt được mục tiêu này, ngoài những định hướng chính sách tiền tệ chính, đôi khi họ còn có thể trực tiếp tham gia nhảy vào thị trường mua bán để can thiệp tỉ giá (bank intervention). Và mặc dù ít khi trực tiếp tham gia vào việc mua bán nhưng những mục tiêu, định hướng chính sách tiền tệ của các central bank này lại là cơ sở để nhóm những thành phần khác trong thị trường xây dựng chiến lược giao dịch cho riêng mình.

Nhóm thành phần thứ hai tham gia vào thị trường này là các nhà tạo lập thị trường (market maker - MMs). Đây là nhóm những người đóng vai trò trung gian mua bán giữa hai nhóm người và hai loại tiền tệ. Thí dụ, một ngân hàng sẽ được gọi là một market maker nếu họ thu mua USD  từ những người có nhu cầu cần bán để rồi sau đó đem những đồng USD đã mua được trước đó bán lại cho những người khác đang có EUR trong tay, cần tích lũy USD trên sàn giao dịch. Mục tiêu chính của những người này là kiếm tìm lợi nhuận thông qua việc mua đi - bán lại trong thị trường do đó họ đóng góp một vai trò cực kỳ quan trọng trong mọi thị trường ấy là yếu tố tạo ra thanh khoản. Và cũng vì mục tiêu là lợi nhuận chênh lệch thu được từ việc mua - bán nên cơ chế mấu chốt trong chiến lược của họ là cần phải mua được ở giá thấp và bán ra ở giá cao. Điều này có thể thực hiện được là nhờ vào tiềm lực vốn mạnh mẽ của họ để thông qua việc nắn chỉnh giá (manipulation) đi tới những vùng giá mong muốn - nơi tập trung nhiều thanh khoản của thị trường và cũng chính là nơi họ thiết lập sẵn các bẫy giá (TRAP) để khớp được đủ khối lượng mà họ mong muốn. Do đó, điều kiện tiên quyết để xây dựng được một chiến lược giao dịch hiệu quả cho trader nhỏ lẻ như chúng ta là cần phải biết đọc vị những nơi mà thanh khoản thị trường tập trung nhiều và nhận dạng các TRAP do MM tạo thành trên chart để từ đó trade cùng hướng với họ thì mới mong make money được.

forex là gì

Thành phần thứ ba tham gia thị trường này là các trader tổ chức (institutional trader - IT). Đây là nhóm những người của các đại công ty, tập đoàn thương mại hay xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài mục tiêu tham gia thị trường để thu mua ngoại tệ phục vụ cho mục đính trao đổi hàng hóa quốc tế họ còn có thể tham gia vì mục tiêu PHÒNG HỘ (hedge) sự biến động của tỉ giá. Và chính vì là phòng hộ cho nên chiến lược của họ thường được xây dựng dựa trên nền tảng của xu hướng nền kinh tế, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Nói khác đi, nhóm này là động lực quan trọng trong việc giúp hình thành xu hướng trong dài hạn của thị trường. Xét về tiềm lực tài chính, đám IT trader này không kém cạnh gì so với các MM trader nói trên, xong xuất phát từ mục tiêu tham gia thị trường khác nhau nên hai nhóm trader này có những chiến lược giao dịch cũng khác nhau. Có thể nói MM chính là những người trung gian môi giới cung cấp thanh khoản để các IT trader này hoàn thành được giao dịch của mình.

Đứng thứ tư trong danh sách các thành phần tham gia thị trường này chính là các hãng broker, các công ty môi giới cho trader nhỏ lẻ. Sự phát triển của nhóm thành phần này gắn liền với sự bùng nổ của internet. Mục tiêu kiếm lời của một broker thuần túy là phí dịch vụ và phần chênh lệch bid -ask trong giao dịch của trader. Tuy nhiên cũng có một số hãng broker với tiềm lực tài chính hùng hậu sẽ đóng vai trò là một market maker khi họ đứng ra thực hiện giao dịch ngược lại với vị thế của trader (ôm lệnh), một broker như thế được là là Dealing Desk, retail trader thường có suy nghĩ không tích cực lắm về dạng broker kiểu này vì sự sung đột lợi ích (trader và sàn giao dịch ăn thua trực tiếp vs nhau). Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, dealing desk hay là No dealing desk không thật sự quan trọng bằng việc hãng broker đó có tuân thủ các quy định tài chính và được giám sát bởi các tổ chức độc lập hay không.

Đứng chót trong danh sách này chính là đám người như tôi và các bạn, tức là những nhà giao dịch nhỏ lẻ (retail trader - RT). Xét về phương diện tiềm lực tài chính và công cụ tiếp cận thị trường chúng ta là những người có ít điểm lợi thế nhất, nhưng nếu xét ở góc độ thanh khoản, retail traders lại có những điểm lợi mà bất kỳ một MM hay IT nào cũng không có được.Thật sự thì, yếu tố thanh khoản hầu như không bị bất kỳ giới hạn nào bởi quy mô giao dịch của một hay một nhóm những người giao dịch nhỏ lẻ nào cũng chỉ là "muối bỏ bể", là "hạt cát trên sa mạc" khi so sánh với tổng khối lượng toàn thị trường nói chung. Vì sao tôi gọi đây là một điểm lợi thế của RT? Tôi còn nhớ mình từng đọc đâu đó rằng để cặp tỉ giá nào đó dịch chuyển được 1 pip thì người ta cần có có khối lượng là khoảng 10.000 lot đánh về một hướng (buy/sell), con số này tương ứng với 1 tỉ đô la đổ vào market chỉ để nó di chuyển chỉ 1 pip. Đây là điều các trader nhỏ lẻ hoàn toàn không có năng lực để thực hiện. Nhưng với các MM, IT thì lại khác, tổng hợp nhu cầu của đám những trader này có khi lên tới cả chục tỉ, trăm tỉ mỹ kim, và nếu vẫn áp dụng cách tính toán ước lượng như trên thì nếu họ tham gia thị trường một cách dồn dập chắc chắn sẽ đẩy tỉ giá thị trường chạy xa tới cả trăm pips trước khi họ thật sự thu mua đủ khối lượng mà họ cần và đây chính là điều mà họ hoàn toàn không mong muốn. Do vậy, có thể thấy chúng ta - những nhà giao dịch nhỏ lẻ nếu biết tận dụng những điểm lợi thế của riêng mình để xây dựng những chiến lược giao dịch dựa trên tư duy của MM và IT trader thì khả năng thành công trong thị trường này vẫn là hoàn toàn có thể.
  • Cơ chế hoạt động trong thị trường ngoại hối
Hiểu được cơ chế hoạt động trong thị trường ngoại hối rất quan trọng vì đó là căn bản để hiểu được chiến lược giao dịch của các trader tổ chức (institutional trader - IT) và các nhà tạo lập thị trường (market maker -MM). Forex market hoạt động theo cơ chế phi tập trung (OTC), tức là nó không có một sàn giao dịch tập trung như thị trường chứng khoán. Cơ chế khớp lệnh trong forex là cơ chế đấu giá (aution), điều này có nghĩa là các lệnh (market order) giao dịch khi được đẩy vào thị trường sẽ được khớp giá theo các mức giá tốt nhất (gần sát nhất) trước. Để đơn giản ta minh họa cơ chế này qua thí dụ sau: Tại thời điểm (t), trader A mở lệnh Buy cặp tiền EURUSD, khối lượng 100 lot, giá chào mua là 1.12421; cùng lúc đó tổng khối lượng chào bán trên thị trường lần lượt là 50 lot, giá chào bán 1.12431 (spread báo trên MT4 = 1.12421 - 1.12431 = 1 pip); 30 lot, giá chào bán 1.12435 (spread = 1,4 pip) và 20 lot, giá chào bán 1.12436 (spread = 1,5 pip) thì lệnh BUY của trader A nói trên sẽ được khớp theo thứ tự 50 lot tại mức giá 1.12431; 30 lot tại mức 1.12435 và 20 lot tại mức giá 1.12436,... ta thấy ở đây lệnh giao dịch được ưu tiên khớp lệnh tại các mức giá tốt nhất trước nhất cho đến khi đủ khối lượng giao dịch. Cơ chế này làm nổi bật nên hai vấn đề. Điểm thứ nhất rất dễ thấy đó là việc thu mua đủ 100 lot của trader A đã đẩy tỉ giá tăng 1,5 pip từ 1.12421 lên 1.12436;

Điểm thứ hai nữa là ưu thế của việc sử dụng các lệnh chờ (limit order) trong giao dịch. Trở lại thí dụ trên, nếu trader A thay vì sử dụng market order (lệnh thị trường), anh ta là dùng lệnh BUY LIMIT 100 lot thì điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời là ngay tại thời điểm t đó, sẽ không có giao dịch nào được thực hiện do mức giá chào mua (1.12421) chưa ăn khớp được với bất kỳ mức giá chào bán nào tại thời điểm t đó. Bây giờ, giả sử tiến tới thời điểm (t+1) thị trường xuất hiện lệnh chào bán 60 lot tại cùng mức giá 1.12421 thì điều hiển nhiên lệnh BUY LIMIT lúc đó sẽ được thực hiện khớp với khối lượng 60 lot; 40 lot còn lại của trader A cần mua sẽ tiếp tục là lệnh chờ và sẽ có thể được khớp tại các thời điểm tiếp theo sau... Đây chính là điểm mà tôi muốn nói, đó là sự khác biệt trong việc tác động lên thị trường của các loại lệnh. Cùng là giao dịch khối lượng 100 lot nhưng việc sử dụng market order đã làm thị trường dịch chuyển 1,5 pips trong khi lệnh chờ thì không.

Cơ chế này cho ta một suy luận hiển nhiên hết sức giá trị rằng nếu cần thu gom một khối lượng giao dịch lớn mà ít gây ra tác động lên giá thị trường, MM hay IT traders chắc chắn sẽ dùng đến lệnh chờ; Ngược lại nếu cần nắn chỉnh giá (manipulation) đến các vùng thanh khoản cao (thường là nơi RTs đặt Stoploss) họ sẽ phải sử dụng market order.
  • Bài học cho phương pháp tiếp cận và phân tích thị trường
Trong khi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế là yếu tố giúp định hình xu hướng thị trường trong dài hạn thì các yếu tố kỹ thuật (chart price action) lại là công cụ chính để MM traders tạo TRAP bẫy thanh khoản. Để xây dựng một chiến lược giao dịch hiệu quả, retail trader cần kết hợp nhuần nhuyễn cả hai yếu tố cơ bản và kỹ thuật. Đây là định hướng cơ bản và cũng là tiền đề để trader mới có cách tiếp cận phân tích thị trường đúng đắn ngay từ lúc bắt đầu.

Vài lời chia sẻ./.









Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Giao dịch thành công với phân tích liên thị trường (pdf)

Sổ tay hướng dẫn đọc hiểu tâm lý thị trường tài chính (pdf)

Đừng bất ngờ nếu đồng USD tiếp tục rớt giá